Mỗi ngày con mỗi lớn khôn, mỗi giai đoạn phát triển bé sẽ biết thêm được nhiều thứ mới mẻ xung quanh, những chức năng của cơ thể dần hoàn thiện. Ông bố, bà mẹ nào cũng luôn bên con và theo dõi con theo từng giai đoạn phát triển. Dưới đây là những biểu hiện cũng như những thay đổi của cơ thể qua các giai đoạn phát triển của trẻ năm đầu đời. Bố mẹ có thể tham khảo để biết con mình đang phát triển tốt và có những dấu hiệu phát bình thường không nhé!
Năm đầu tiên khi vừa mới sinh ra là giai đoạn rất quan trọng. Cơ thể dần hoàn thiện những chức năng như trí não, hệ tiêu hoá,… là lúc bé tập bò, tập nói, tập đứng, tập đi. Hãy theo dõi các giai đoạn phát triển của trẻ trong năm đầu tiên.
1 tháng tuổi
Bé đã biết nhìn chăm chú bố, mẹ. Có thể nhận ra được giọng của bạn đấy. Đồng thời bắt đầu co duỗi cơ tay cơ chân. Nên để ý sẽ thấy bé thường xuyên uốn éo cơ thể.
2 tháng tuổi
Bé nhà bạn lúc này có thể cảm nhận được những thứ xung quanh, thường xuyên tạo trò, hay cười. Bạn có thể nhận thấy điều này nếu thường xuyên nói chuyện với bé. Những dấu hiệu khác như bé huơ tay chân liên tục, tạo nên những âm thanh vui nhộn bằng cách đạp mạnh chân xuống giường và cười.
3 tháng tuổi
3 tháng tuổi là giai đoạn bé tập lật. Bé thường xuyên cố gắng nghiêng người, nằm ép về một phía. Bé thường xuyên bú tay, bú chân hay chộp lấy những gì bố mẹ đưa cho. Cố gắng đè sức nặng lên 2 chân khi được sự hỗ trợ.
4 tháng tuổi
Lúc này bé có thể lật thuần thục rồi. Thường xuyên hóng chuyện. Bạn sẽ cảm thấy bé giao tiếp với mình mỗi khi trò chuyện. Những âm thanh í a í ới của bé phát ra như đang muốn nói gì, ấy là bé đang trò chuyện với mình đấy. Đồng thời giai đoạn này bé cũng bắt đầu có dấu hiệu muốn ngồi dậy.
5 tháng tuổi
Bé bắt đầu dùng miệng “tạo mưa” hay “tạo bong bóng”. Cố gắng với lấy những gì có trước mặt. Đã thuần thục việc lật, có thể trườn để lấy đồ chơi. Bé có thể ôm chặt bạn khi bạn bế nữa đấy.
6 tháng tuổi
Bé lúc này biết vui đùa, thích thú khi chơi cùng người lớn. Bé có thể nhìn được khắp phòng và biết được khi nào bạn đang đến gần và có đòi bế. Vào giai đoạn này bé có thể ngồi vững được.
7 tháng tuổi
Bé nhà bạn có thể chộp lấy những đồ chơi lớn hơn bằng cách trườn bò tới lấy, giao tiếp với người lớn nhiều hơn. Lúc này, nhiều bé sẽ khó cho người khác giữ hơn vì bé biết lạ, và thường xuyên bám lấy bố mẹ.
Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé 7 tháng tuổi phát triển
8 tháng tuổi
Bé có thể cầm được bình sữa, dùng tay bốc thức ăn cho vào miệng và cố gắng cầm những đồ chơi nhỏ bằng tay.
9 tháng tuổi
Lúc này bé bắt đầu bập bẹ những tiếng gọi như “ba”, “mẹ”. Hiểu được những câu hỏi rằng “con thích cái này không?” của ba mẹ. Bé sẽ cố gắng vịn tay vào thành tường đứng lên, có thể đứng vững mà không cần sự hỗ trợ. Thích trèo lên những vật có bậc thang. Điều đặc biệt là bé thích thú khi nghe người khác gọi tên mình.
10 tháng tuổi
Bé lúc này có thể chập chững bước vài bước, và chuyện vấp ngã ở bé là chuyện bình thường. Tuy nhiên, bé vẫn thích vịn vào tường để bước đi.
11 – 12 tháng tuổi
Những chỉ dẫn đơn giản như “con đưa cho mẹ cái này nhé”, “vỗ tay theo mẹ nè” bé có thể hiểu được và làm theo. Bé có thể nói được nhiều từ hơn, việc giao tiếp với bé lúc này càng quan trọng để tập cho bé có thể nói được.
Quan sát con luôn là niềm yêu thích của bố mẹ. Các giai đoạn phát triển của trẻ trên đây mong rằng có thể giúp cha mẹ biết con mình đang phát triển như thế nào.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi chametainang.net của chúng tôi !